Đây là nhận định được đưa ra tại Tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và Hội nhập quốc tế: Bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 5-12 tại Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị” do Quỹ Châu Á tài trợ, thu hút sự tham gia của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý của Bộ Ngoại giao, Hội LHPN Việt Nam và một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư, thành viên Mạng lưới Lãnh đạo nữ – Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội LHPN Việt Nam khối bộ, ngành.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho rằng, công tác bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam đang có rất nhiều cơ sở để phát triển hơn nữa. Các chủ trương, chính sách và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, thể hiện ở những quy định trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, các chương trình mục tiêu quốc gia và các cuộc vận động hướng đến nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của xã hội.
Trên bình diện quốc tế, phụ nữ và trẻ em gái cũng đang được hưởng lợi từ cách tiếp cận mới, toàn diện, sâu sắc hơn trong vấn đề bình đẳng giới hiện nay, đó là đặt bình đẳng giới trong tổng thể và gắn kết với tất cả các nội hàm của hoà bình bền vững và phát triển bền vững. Theo Thứ trưởng Nga, Chương trình nghị sự 2030 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho tăng quyền cho phụ nữ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đối với phụ nữ, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0. Nhận thức về địa vị phụ nữ trong xã hội, gia đình, cơ quan và nhà trường còn chuyển biến chậm. Định kiến xã hội, đề cao vai trò của nam giới và chính tâm lý e ngại, tự ti của phụ nữ vẫn khiến họ chịu nhiều thiệt thòi. Chưa kể đến phần lớn đội ngũ lao động nữ hiện nay phần lớn là lao động đơn giản, trình độ tay nghề thấp, lương thấp, việc làm không ổn định, bên cạnh những vấn nạn bạo lực giới, hạn chế cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tham gia lãnh đạo.
Để giải quyết những vấn đề này, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, cần áp dụng quan điểm tiến bộ của thế giới vào thúc đẩy công tác bình đẳng giới ở Việt Nam. Đó là phụ nữ không phải chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà phải là người tham gia làm và thực hiện chính sách. Đây cũng không phải chỉ là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề nguồn lực phát triển, bởi đầu tư cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới cũng là đầu tư cho phát triển, xóa nghèo đói bền vững, giải quyết gốc rễ của bất bình đẳng xã hội, như tinh thần chung của Chương trình nghị sự 2030 và SGD.
Cụ thể, các chính sách dành cho phụ nữ phải được xây dựng trên nền tảng bình đẳng, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm, quy hoạch, thăng tiến, tuổi nghỉ hưu, tạo cơ hội cho phụ nữ được lựa chọn và quyết định những vấn đề liên quan đến chính mình. Ngoài ra, cần phải tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục chuyển đổi nhận thức, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại vào công tác chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chú trọng giáo dục, dạy nghề, đào tạo kỹ năng chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ…
Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn Diễn đàn APEC, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, để nâng tầm cho phụ nữ Việt Nam, cần chủ động lồng ghép việc thực hiện bình đẳng giới không chỉ trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong nước, mà còn trong cả hoạch định và triển khai chính sách phát triển công nghệ số, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập của ngành nói riêng, nhằm đạt hiệu quả, tác động, sức lan tỏa sâu rộng.
Ngoài ra, cần tích cực nắm bắt, tận dụng xu thế, các cơ hội mới của hợp tác, liên kết quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan của nước ta, nhằm tạo thêm động lực cho thực hiện bình đẳng giới trong nước, gắn phong trào, hoạt động của phụ nữ, hội phụ nữ với công tác hội nhập, phát triển bền vững của Việt Nam, với trọng tâm hàng đầu là đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 và hình thành bản sắc văn hóa ASEAN, thực hiện các cam kết, áp dụng tiêu chí, chuẩn mực quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong thực hiện SDG 2030 và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.